Hiện nay, xu thế gia đình hạt nhân ngày càng phát triển – Ngay cả trong các gia đình truyền thông đa thế hệ, sự phân cách về quan điểm giáo dục trẻ giữa cha mẹ và ông bà cũng tạo ra những tác động không nhỏ đến việc hình thành những thái độ, phản ứng của trẻ…
Hiện nay, xu thế gia đình hạt nhân ngày càng phát triển – Ngay cả trong các gia đình truyền thông đa thế hệ, sự phân cách về quan điểm giáo dục trẻ giữa cha mẹ và ông bà cũng tạo ra những tác động không nhỏ đến việc hình thành những thái độ, phản ứng của trẻ trong việc ứng xử với những người xung quanh.
Trong gia đình hạt nhân, thì với số lượng con chỉ còn từ 1 – 3 trẻ, với bố mẹ mà trong đó chủ yếu là các gia đình chỉ có từ 1-2 con thì những đứa trẻ vô tình đã biến thành “tâm điểm vũ trụ” . Việc ít con, nếu xét về mặt xã hội đó là ưu điểm, nhưng nếu xét về mặt tâm lý thì đó lại là một thách thức không nhỏ với các bậc cha mẹ, làm thế nào để đứa con không trở thành kẻ “thống trị” trong gia đình.
Với sự phát triển của xã hội, trước những ảnh hưởng của nền văn minh Tây Phương và cuộc sống ngày càng cao hơn về mặt vật chất, nhưng lại gây ra những biến động về mặt tinh thần – Trước hết, đó là cuộc đấu tranh giữa hai quan điểm giáo dục của Đông Phương và Tây Phương, đã khiến không ít bậc cha mẹ phải băn khoăn vì nếu theo truyền thống đạo đức Đông Phương với quan điểm “ Cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư” thì làm thế nào để giúp cho con có được tính tự tin, biết chủ động trong mọi hoạt động, để từ đó phát huy tối đa tính sáng tạo và linh hoạt, nhằm đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Nhưng nếu lại chủ trương tôn trọng con cái theo tinh thần Tây Phương, làm bạn với con mọi lúc mọi nơi, thì không khéo lại sa vào sự buông lỏng, làm ngơ và nuông chiều con. Chạy theo sự đòi hỏi của trẻ mà không biết làm cách nào để có thể quản lý các em vì thực ra, các em vẫn chưa đủ sự năng động và có được những kỹ năng sống cần thiết, để có thể đối diện với những tác động xấu đến từ xã hội bên ngoài.
Sau nữa là ảnh hưởng của tính thực dụng với quan điểm: “Có tiền mua tiên cũng được”, đã khiến cho một số người lớn lẫn trẻ em đã có lối sống tôn thờ vật chất, quên đi những giá trị tinh thần truyền thống, đối với họ thì những kinh nghiệm và lời khuyên của cha ông trở nên lạc hậu, thậm chí là buồn cười !
Như thế, việc tìm ra một giải pháp dung hòa vừa có thể quản lý các em theo đúng tôn ti trật tự trong gia đình, vừa có thể là người bạn đồng hành với trẻ trên bước đường chông gai của cuộc đời là một điều có thể nói là hết sức khó khăn.
Nhưng khó không có nghĩa là không thực hiện được, mà vấn đề là ở chỗ, chúng ta phải nhận ra trong lĩnh vực nào thì cha mẹ là người chỉ huy, phải đương đầu với những thách thức để bảo vệ, che chở con. Lĩnh vực nào cha mẹ phải là người nhạc trưởng để điều phối mọi hoạt động, chỉ đạo con và là tiếng nói quyết định sau cùng. Nhưng đồng thời, cũng có những lĩnh vực về nhu cầu và sở thích cá nhân của con em mà cha mẹ phải tôn trọng, chỉ có thể có những góp ý hay thậm chí là cần để mặc cho trẻ tự xoay sở khiến các em phải huy động những năng lực của bản thân để thực hiện. Điều này sẽ giúp cho trẻ cảm thấy tự hào khi đạt được những thành tựu, có thể là chưa hoàn hảo và cũng không cảm thấy lo lắng vì biết rằng cha mẹ lúc nào cũng ở bên cạnh mình.
Có những thứ, chúng ta phải “bao cấp” nhưng cũng có những điều chúng ta chỉ nên cung cấp phương tiện hay sự hướng dẫn để trẻ thực hiện, có thể trẻ sẽ gặp thất bại – Nhưng đó là kinh nghiệm cần thiết và trẻ sẽ biết cách điều chỉnh cho phù hợp để đạt được những kết quả tốt hơn trong tương lai.
Những lĩnh vực mà cha mẹ phải thực hiện:
– Chỉ dẫn cho con cách ứng xử với những người chung quanh và các vấn đề xã hội
– Cung cấp cho con những nhu cầu hợp lý và buộc con phải có những bổn phận
– Hướng cho con đến những giá trị tinh thần và lý tưởng trong cuộc sống
Những lĩnh vực mà cha mẹ nên giúp đỡ:
– Bảo vệ con trước những tác động xấu của môi trường bên ngoài
– Giúp con những phương tiện để phục vụ các hoạt động cho gia đình và bản thân
– Chỉ ra cho con những mặt mạnh/ mặt yếu để con có thể phát triển hay khắc phục.
Những lĩnh vực mà cha mẹ cần tôn trọng:
– Tôn trọng không gian sống cũng như vật dụng cá nhân của trẻ
– Chấp nhận những sở thích, những mong muốn của trẻ
– Tôn trọng những mối quan hệ bạn bè và không phê phán trẻ trước bạn của chúng
Cv.TL LÊ KHANH
( Trong giáo trình Kỹ năng Sống )