Khi nói đến bạo lực gia đình là nói đến sự thể hiện sức mạnh một chiều: Kẻ mạnh ăn hiếp kẻ yếu, thường là chồng ăn hiếp vợ. Nguyên nhân sâu xa là do chúng ta chịu ảnh hưởng của triết lý Nho giáo, lấy việc học làm đầu và lấy sĩ phu hay người đàn ông làm trọng: “Nhất nam viết hữu – thập nữ viết vô”. Người xưa quan niệm chỉ có con trai mới có thể nối dõi tông đường, làm rạng danh dòng họ. Quan niệm xa xưa đó đã trao cho người đàn ông quyền làm chủ gia đình, là gia trưởng.
Điều này đã được lập trình từ khi đứa trẻ còn nhỏ. Ngay từ bé, đứa trẻ trai đã có nhiều đặc quyền, đặc lợi hơn trẻ gái và chính môi trường xã hội chung quanh cũng công nhận điều đó. Tuy nhiên, không phải ai cũng thích thể hiện nắm đấm với người “bạn cùng giường” của mình bởi qua nhiều thế hệ, họ đã chắt lọc được cách sống tự tin, biết tôn trọng bản thân và người khác.
Phụ nữ hãy kiên quyết, đừng cam chịu
Khi người đàn ông đưa ra nắm đấm chính là lúc họ bộc lộ một tâm thế bất an, thiếu tự tin vào bản thân. Họ chỉ dám ra nắm đấm với những kẻ yếu hơn mình.
Trong bất cứ cuộc tranh cãi nào thì mâu thuẫn luôn đến từ hai phía. Mâu thuẫn vợ chồng có một phần nguyên nhân từ phía người vợ tạo ra những cơ hội cho ông chồng bạo lực của mình thể hiện. Nói vậy không phải là khuyên người phụ nữ một điều nhịn, chín điều lành mà là phải có cách ứng xử phù hợp. Sức mạnh của người đàn ông sẽ bị vô hiệu hóa bởi sự dịu dàng của người phụ nữ nhưng đó phải là một sự dịu dàng kiên quyết, chứ không phải là một sự dịu dàng nhu nhược hay cam chịu.
Điều này không dễ thực hiện với số đông phụ nữ. Nếu ngay từ nhỏ, bé gái không được giáo dục khả năng tự chủ thì khi lớn lên, việc lệ thuộc người chồng là điều khó tránh khỏi. Chính vì thế, vai trò của cha mẹ trong việc giáo dục con cái là vô cùng quan trọng. Cha mẹ cần truyền trao cho con trai mình sự coi trọng phái nữ, cho con gái sự tự tin vào năng lực bản thân.
Chúng ta không nên tập cho con tinh thần phụ thuộc vào cha mẹ bằng sự chiều chuộng và áp đặt. Bởi điều đó không những tốt cho con ở hiện tại mà còn giúp con không rơi vào tình trạng gia trưởng hay nhu nhược trong cuộc sống gia đình sau này.
Chính sự lắng nghe và biết tôn trọng giá trị, tính cách của từng thành viên trong gia đình là yếu tố tốt nhất để tránh khỏi tình trạng bạo hành. Đồng thời, cũng chính sự quan tâm nhưng kiên quyết trong cách ứng xử có khả năng dập tắt mọi ý định bạo hành ngay từ lúc manh nha của đối tác.
Nạn nhân của chính mình
Một người phải sống trong bầu không khí bạo lực thì chắc chắn sẽ xuất hiện một thái độ tự bảo vệ mình bằng sự ích kỷ và vô tâm. Đứa trẻ phải chứng kiến những hành động bạo lực từ cha mẹ thường dần dần trở nên vô cảm trước nỗi đau của người khác, chỉ biết sống cho quyền lợi của bản thân. Chúng cũng sẽ trở nên những con người hoặc nhu nhược hoặc thích thú với việc sử dụng bạo lực để giải quyết các vấn đề sau này khi lớn lên.
Vì thế, những bậc cha mẹ sử dụng bạo lực với nhau và với con cái rất có khả năng khi về già sẽ lại trở thành nạn nhân của sự bạo lực ngay trong gia đình mình. Người gây ra bạo lực chính là những đứa con mà mình đã “tập huấn” cho chúng khi còn bé đã biết thế nào là sức mạnh của nắm đấm.
Để tránh điều này, các bậc cha mẹ phải biết tự giáo dục bản thân và giáo dục con cái trong một bầu không khí gia đình đích thực mà ở đó con cái và cha mẹ tin nhau với lòng tôn trọng.
Bạo lực gia đình cũng phản ánh một phần hiện thực xã hội. Nếu mỗi người trong chúng ta quá chú tâm vào các hoạt động kiếm tiền, kiếm danh cũng như tìm mọi cách hủy diệt những người có thể ảnh hưởng đến mục tiêu của mình thì bạo lực sẽ là điều không bao giờ chấm dứt. Bạo lực ở đây không chỉ là nắm đấm mà còn là sự phỉ báng, hãm hại lẫn nhau trong sự vô tâm, dửng dưng trước nỗi đau của kẻ khác.
Đó còn là sự hủy hoại xã hội lớn hơn cả những nỗi đau do bạo lực nắm đấm đem lại đối với mỗi người.
Cách thoát khỏi vòng tròn bạo lực
Thống kê của Vụ Gia đình (Bộ VH-TT&DL) cho thấy trong năm năm trở lại đây, số vụ bạo lực gia đình được ghi nhận khoảng 20.000 vụ/năm.
Một khi đứa trẻ đã phải sinh ra và lớn lên trong bạo lực thì chúng dễ hình thành trong vô thức thái độ coi thường giá trị bản thân, sẵn sàng sống chung với bạo lực.
Giải pháp quan trọng cho những người này là xây dựng cho mình một năng lực về bất cứ lĩnh vực nào mà mình có hứng thú, từ việc học thêm một ngoại ngữ, học thêm một vài môn nghệ thuật (vẽ, nhạc, múa…) hay các bộ môn khéo tay (cắm hoa, làm bếp…), tham gia một vài hoạt động xã hội từ thiện…
Tất cả điều đó không chỉ đem lại cho chúng ta lòng tự tin mà còn gia tăng được sức mạnh nội tâm và củng cố một giá trị lớn nhất: Trở nên hữu ích cho chính mình và cho người khác.
Chính điều đó sẽ giúp chúng ta thoát khỏi sự ám ảnh của bạo lực để có thể trở thành thủ phạm hoặc nạn nhân.
Lê Khanh