Phạm Đình Chương sinh ngày 14 tháng 11 năm 1929 tại Bạch Mai, Hà Nội. Quê nội ông ở Hà Nội và quê ngoại ở Sơn Tây. Thân phụ của nhạc sĩ Phạm Đình Chương là ông Phạm Đình Phụng. Người vợ đầu của ông Phụng sinh được 2 người con trai: Phạm Đình Sỹ và Phạm Đình Viêm. Phạm Đình Sỹ lập gia đình với nữ kịch sĩ Kiều Hạnh và có con gái là ca sĩ Mai Hương. Còn Phạm Đình Viêm là ca sĩ Hoài Trung của ban hợp ca Thăng Long. Người vợ sau của ông Phạm Đình Phụng có 3 người con: trưởng nữ là Phạm Thị Quang Thái, tức ca sĩ Thái Hằng, vợ nhạc sĩ Phạm Duy. Con trai thứ là nhạc sĩ Phạm Đình Chương và cô con gái út Phạm Thị Băng Thanh, tức ca sĩ Thái Thanh. Ông được nhiều người chỉ dẫn nhạc lý nhưng phần lớn vẫn là tự học. Trong những năm đầu kháng chiến, Phạm Đình Chương cùng các anh em Phạm Đình Viêm, Phạm Thị Quang Thái và Phạm Thị Băng Thanh gia nhập ban Văn nghệ Quân đội ở Liên Khu IV.
Phạm Đình Chương bắt đầu sáng tác vào năm 1947, khi 18 tuổi, với tác phẩm đầu tay là ca khúc "Ra đi khi trời vừa sáng". Năm 1951, ông và gia đình chuyển vào miền Nam. Với các anh em Hoài Trung, Thái Thanh, Thái Hằng ông thành lập Ban hợp ca Thăng Long danh tiếng. Trong thập niên 1950, ông đã viết những tác phẩm thành công và để đời như "Ly rượu mừng", "Xuân tha hương", "Thủa ban đầu", "Tiếng dân chài" v.v.. Đáng kể nhất là trường ca bất hủ "Hội trùng dương" mà ông viết về đất nước Việt Nam hoa gấm, qua ba bài ca nói về con sông Hồng, sông Hương và sông Cửu Long. Theo như lời ông đã nói với gia đình, trường ca này đã phải tốn mất 4 năm để hoàn tất.
Một sáng tác lãng mạn và để đời thứ hai trong thập niên 1950 đã gắn liền vào tên tuổi Phạm Đình Chương: đó là ca khúc bất hủ phổ thơ Đinh Hùng nhan đề "Mộng dưới hoa". Riêng nói về "Mộng dưới hoa", ca khúc này đã theo năm tháng để trở thành một trong những bài tình ca được ưa chuộng và hát nhiều nhất của nhạc Việt. Trong thập niên 1960, ông đã sáng tác một loạt ca khúc phổ thơ rất thành công và được yêu chuộng như "Nửa hồn thương đau", "Ngợi ca tình yêu" và "Đêm màu hồng" (thơ Thanh Tâm Tuyền), "Khi cuộc tình đã chết" (Du Tử Lê), "Người đi qua đời tôi" (Trần Dạ Từ) và nổi bật nhất là ca khúc "Đôi mắt người Sơn Tây" (Quang Dũng). Từ đó, Phạm Đình Chương thường được cho là một trong những nhạc sĩ phổ thơ hay nhất. Giai đoạn này cũng là lúc ông lập ra phòng trà tên gọi Đêm Màu Hồng và với ban hợp ca Thăng Long, đã biến nơi này thành chỗ hội tụ của các văn nghệ sĩ đương thời.
Sau biến cố năm 1975, Phạm Đình Chương vượt biên sang định cư tại California, Hoa Kỳ vào năm 1979. Ông định cư tại quận Cam cùng gia đình từ đó. Trong khoảng thời gian sống tại Hoa Kỳ, ông đã viết một số ca khúc cuối cùng gồm những tác phẩm phổ thơ như "Đêm nhớ trăng Sài gòn", "Quê hương là người đó", "Khi tôi chết, hãy đem tôi ra biển" (phổ thơ Du Tử Lê), "Hạt bụi nào bay qua" (Thái Tú Hạp) v.v.. Ngoài ra, ông đã hoạt động rất thàng công qua những buổi trình diễn tại các cộng đồng người Việt trên toàn thế giới.
Vào mùa hè năm 1991, ông lâm bệnh và mất đi vào ngày 22 tháng 8 năm 1991 tại quận Cam, California, ở tuổi 62. Theo như gia đình ông kể lại, sau khi người anh của ông là nghệ sĩ lão thành Hoài Trung qua đời 8 năm sau đó, vào năm 1998, vào một buổi sáng nắng ấm tại miền Nam Cali, gia đình ông đã đem tro cốt của hai ông rải ngoài biển như trong một ca khúc ông viết trong thời gian cuối cùng có nhan đề “Khi tôi chết, hãy đem tôi ra biển” phổ từ thơ thi sĩ Du Tử Lê".
Nhạc sĩ Cung Tiến có nhận định về nhạc Phạm Đình Chương: “Nếu phải dùng một tính từ duy nhất để xác định đặc điểm của những ca khúc Phạm Đình Chương thì có lẽ tôi sẽ chọn từ ngữ “đằm thắm”. Dường như bất cứ một bài hát nào của anh – từ những khúc mô tả cảm xúc cá nhân (“Xóm đêm”), gợi lại một dĩ vãng (“Mưa Sài gòn mưa Hà Nội”, “Nửa hồn thương đau”), chia sẻ nhịp đập chung của trái tim tập thể (“Ly rượu mừng”, “Đón xuân”) đến những khúc lý tưởng hóa những tình tự dân tộc (“Hội trùng dương”, “Bài ngợi ca tình yêu”) và đặc biệt là những khúc hát làm thăng hoa ái tình (“Mộng dưới hoa”, “Đêm màu hồng”) – ta đều thấy cùng tỏa ngát ra, từ giai điệu hay lời ca, một hương thơm của tình cảm sâu sắc, đậm đà và tha thiết… Giai điệu và hòa âm của anh đã nở rộ thành những đóa hoa thơm, quý và hiếm. Những giai điệu và hợp âm ấy rướn vút lên trong không gian âm nhạc và như cánh chim bay đi sẽ chẳng níu lại được. Ý nhạc sẽ còn phảng phất trong tâm tưởng người nghe như hương lan đêm, sẽ còn chập chờn trong ký ức người hát như cánh bướm mộng…”
Phạm Đình Chương đã viết những ca khúc có "giai điệu và hợp âm vút lên trong không gian âm nhạc”, thể hiện tâm trạng hân hoan của mọi người khi mùa xuân về như “Đón xuân” theo điệu fox vui tươi và “Ly rượu mừng” theo điệu valse.
Từ lâu nay, người ta đã biết nhiều về hoàn cảnh ra đời của ca khúc “Ly rượu mừng”: năm 1955, nhà văn Nguyễn Đức Quỳnh, thư ký tòa soạn tờ báo Đời Mới, đã yêu cầu Phạm Đình Chương sáng tác một bản nhạc xuân thể hiện không khí vui tươi của miền Nam tự do khi ấy và ông đã sáng tác ngay ca khúc "Ly rượu mừng" để đăng vào số Tết. Lời của ca khúc “Ly rượu mừng” là những lời chúc khi mời nhau chén rượu, thể hiện niềm vui của người dân miền Nam sau khi hòa bình vừa được vãn hồi và nền Đệ nhất cộng hòa mới vừa được thành lập (năm 1955).
Chiến tranh đã chấm dứt nên mọi hoạt động kinh tế được phục hồi, “anh nông phu vui lúa thơm hơi”, người thương gia buôn bán có lợi tức và người công nhân thoát khỏi cuộc sống nghèo khó. Ngày xuân tươi mới, mỗi người đều thấy tâm hồn lâng lâng vui sướng và niềm vui ấy như lan tỏa khắp nơi khi mọi người “rót tràn đầy chén quang san”. Lời chúc tốt đẹp nhất được dành cho nhau khi nâng chén rượu: chúc người lính chiến đấu thành công, hát khúc khải hoàn và trở về đoàn tụ với mẹ già; chúc người mẹ già vĩnh viễn dứt bỏ nỗi buồn; chúc những đôi uyên ương xây dựng được tổ ấm trong một thế giới yên lành và chúc những người nghệ sĩ có được những tác phẩm để “tô thêm đời mới”. Nhưng trên tất cả những lời chúc cho mỗi người là lời chúc cho quê hương “máu xương thôi tuôn rơi” và mãi mãi có cuộc sống yên vui trong hòa bình. Cảm xúc dạt dào trong ca khúc này cũng là cảm xúc của những người dân miền Nam bắt đầu dựng xây cuộc sống mới dưới bầu trời tự do và thấy "ước mơ hạnh phúc nơi nơi" đang dần trở thành hiện thực.
LY RƯỢU MỪNG
Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi
Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi
Người thương gia lợi tức
Người công nhân ấm no
Thoát ly đời gian lao nghèo khó
á a a a
Nhấp chén đầy vơi
Chúc người người vui
á a a a
Muôn lòng xao xuyến duyên đời
Rót thêm tràn đầy chén quan san
Chúc người binh sĩ lên đàng
Chiến đấu công thành
Sáng cuộc đời lành
Mừng người vì Nước quên thân mình
Kìa nơi xa xa có bà mẹ già
Từ lâu mong con mắt vương lệ nhòa
Chúc bà một sớm quê hương
Bước con về hòa nỗi yêu thương
á a a a
Hát khúc hoan ca thắm tươi đời lính
á a a a
Chúc mẹ hiền dứt u tình
Rượu hân hoan mừng đôi uyên ương
Xây tổ ấm trên cành yêu đương
Nào cạn ly, mừng người nghệ sĩ
Tiếng thi ca nét chấm phá tô thêm đời mới
Bạn hỡi, vang lên
Lời ước thiêng liêng
Chúc non sông hoà bình, hoà bình
Ngày máu xương thôi tuôn rơi
Ngày ấy quê hương yên vui
đợi anh về trong chén tình đầy vơi
Nhấc cao ly này
Hãy chúc ngày mai sáng trời tự do
Nước non thanh bình
Muôn người hạnh phúc chan hoà
Ước mơ hạnh phúc nơi nơi
Hương thanh bình dâng phơi phới.
Cuối bài, Thanh Nhàn mời bạn nghe bản này qua sự trình bày của band nhạc Thăng Long cùng tiếng pháo nhé !
Thân mến !
Sưu tầm