Powered By Blogger
Hiển thị các bài đăng có nhãn GIA ĐÌNH. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn GIA ĐÌNH. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Bảy, 21 tháng 3, 2020

Xây dựng mối quan hệ gia đình.

Hiện nay, xu thế gia đình hạt nhân ngày càng phát triển – Ngay cả trong các gia đình truyền thông đa thế hệ, sự phân cách về quan điểm giáo dục trẻ giữa cha mẹ và ông bà cũng tạo ra những tác động không nhỏ đến việc hình thành những thái độ, phản ứng của trẻ…


Hiện nay, xu thế gia đình hạt nhân ngày càng phát triển – Ngay cả trong các gia đình truyền thông đa thế hệ, sự phân cách về quan điểm giáo dục trẻ giữa cha mẹ và ông bà cũng tạo ra những tác động không nhỏ đến việc hình thành những thái độ, phản ứng của trẻ trong việc ứng xử với những người xung quanh.
Trong gia đình hạt nhân, thì với số lượng con chỉ còn từ 1 – 3 trẻ, với bố mẹ mà trong đó chủ yếu là các gia đình chỉ có từ 1-2 con thì những đứa trẻ vô tình đã biến thành “tâm điểm vũ trụ” . Việc ít con, nếu xét về mặt xã hội đó là ưu điểm, nhưng nếu xét về mặt tâm lý thì đó lại là một thách thức không nhỏ với các bậc cha mẹ, làm thế nào để đứa con không trở thành kẻ “thống trị” trong gia đình.
Với sự phát triển của xã hội, trước những ảnh hưởng của nền văn minh Tây Phương và cuộc sống ngày càng cao hơn về mặt vật chất, nhưng lại gây ra những biến động về mặt tinh thần – Trước hết, đó là cuộc đấu tranh giữa hai quan điểm giáo dục của Đông Phương và Tây Phương, đã khiến không ít bậc cha mẹ phải băn khoăn vì nếu theo truyền thống đạo đức Đông Phương với quan điểm “ Cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư” thì làm thế nào để giúp cho con có được tính tự tin, biết chủ động trong mọi hoạt động, để từ đó phát huy tối đa tính sáng tạo và linh hoạt, nhằm đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Nhưng nếu lại chủ trương tôn trọng con cái theo tinh thần Tây Phương, làm bạn với con mọi lúc mọi nơi, thì không khéo lại sa vào sự buông lỏng, làm ngơ và nuông chiều con. Chạy theo sự đòi hỏi của trẻ mà không biết làm cách nào để có thể quản lý các em vì thực ra, các em vẫn chưa đủ sự năng động và có được những kỹ năng sống cần thiết, để có thể đối diện với những tác động xấu đến từ xã hội bên ngoài.
Sau nữa là ảnh hưởng của tính thực dụng với quan điểm: “Có tiền mua tiên cũng được”, đã khiến cho một số người lớn lẫn trẻ em đã có lối sống tôn thờ vật chất, quên đi những giá trị tinh thần truyền thống, đối với họ thì  những kinh nghiệm và lời khuyên của cha ông trở nên lạc hậu, thậm chí là buồn cười !
Như thế, việc tìm ra một giải pháp dung hòa vừa có thể quản lý các em theo đúng tôn ti trật tự trong gia đình, vừa có thể là người bạn đồng hành với trẻ trên bước đường chông gai của cuộc đời là một điều có thể nói là hết sức khó khăn.
Nhưng khó không có nghĩa là không thực hiện được, mà vấn đề là ở chỗ, chúng ta phải nhận ra trong lĩnh vực nào thì cha mẹ là người chỉ huy, phải đương đầu với những thách thức để bảo vệ, che chở con. Lĩnh vực nào cha mẹ phải là người nhạc trưởng để điều phối mọi hoạt động, chỉ đạo con và là tiếng nói quyết định sau cùng. Nhưng đồng thời, cũng có những lĩnh vực về nhu cầu và sở thích cá nhân của con em mà cha mẹ phải tôn trọng, chỉ có thể có những góp ý hay thậm chí là cần để mặc cho trẻ tự xoay sở khiến các em phải huy động những năng lực của bản thân để thực hiện. Điều này sẽ giúp cho trẻ cảm thấy tự hào khi đạt được những thành tựu, có thể là chưa hoàn hảo và cũng không cảm thấy lo lắng vì biết rằng cha mẹ lúc nào cũng ở bên cạnh mình.
Có những thứ, chúng ta phải “bao cấp” nhưng cũng có những điều chúng ta chỉ nên cung cấp phương tiện hay sự hướng dẫn để trẻ thực hiện, có thể trẻ sẽ gặp thất bại – Nhưng đó là kinh nghiệm cần thiết và trẻ sẽ biết cách điều chỉnh cho phù hợp để đạt được những kết quả tốt hơn trong tương lai.
Những lĩnh vực mà cha mẹ phải thực hiện:
–          Chỉ dẫn cho con cách ứng xử với những người chung quanh và các vấn đề xã hội
–          Cung cấp cho con những nhu cầu hợp lý và buộc con phải có những bổn phận
–          Hướng cho con đến những giá trị tinh thần và lý tưởng trong cuộc sống
Những lĩnh vực mà cha mẹ nên giúp đỡ:
–          Bảo vệ con trước những tác động xấu của môi trường bên ngoài
–          Giúp con những phương tiện để phục vụ các hoạt động cho gia đình và bản thân
–          Chỉ ra cho con những mặt mạnh/ mặt yếu để con có thể phát triển hay khắc phục.
Những lĩnh vực mà cha mẹ cần tôn trọng:
–          Tôn trọng không gian sống cũng như vật dụng cá nhân của trẻ
–          Chấp nhận những sở thích, những mong muốn của trẻ
–          Tôn trọng những mối quan hệ bạn bè và không phê phán trẻ trước bạn của chúng

Cv.TL LÊ KHANH
( Trong giáo trình Kỹ năng Sống )

Thứ Năm, 12 tháng 3, 2020

Chẳng có Ai ...Con bạn cả !

Năm 2019 rồi.
Tôi nghĩ có lẽ người lớn bây giờ chẳng mấy ai hơi tý là nói với con trẻ những lời nhảm  kiểu như "ba mẹ con không cần con nữa rồi", "con được lượm về đó" đâu nhỉ?
Hoá ra chỉ là suy nghĩ của tôi quá ngây thơ.
Đợt Tết vừa qua, nhìn cái cách giao lưu giữa người nhà với cháu gái, tôi mới hay thì ra rất nhiều người lớn vẫn luôn dùng những trò đùa "cổ lỗ sĩ" để ghẹo trẻ con.
Cháu gái tôi hơn 6 tuổi, tháng trước nó biết sắp được vào Sài Gòn chơi, nó vui lắm. Ngày nào nó cũng đếm ngược xem còn mấy ngày nữa là được ngồi máy bay. Ngày nào trước khi đi ngủ, nó cũng bàn với mẹ nó hết, nghĩ đến Sài Gòn rồi thì nên đi đâu, nên chơi trò gì. Mấy vị trưởng bối trong nhà thấy vậy, mới lợi dụng tâm trạng này để đùa nó. Họ nói với nó rằng: "Haiz, giờ cháu không được đi Sài Gòn nữa, máy bay hỏng rồi, không bay nữa..."
Nó nghe vậy, vô cùng đau lòng, khóc tội lắm, khóc thương lắm. Họ thấy nó như thế, lại cảm thấy rất thú vị.....
Người lớn trong nhà chơi trò này vui vô cùng, cứ 1, 2 ngày là lại lôi ra chơi tiếp, lần nào cũng phải đợi đến khi cháu tôi khóc quá trời mới thôi... Lúc mẹ kể lại chuyện này cho tôi, mẹ cũng thấy rất vui. Tôi biết ý mẹ muốn nói chỉ là xem nó thế kia là biết nó muốn đến Sài Gòn chơi nhường nào.
Nhưng tôi nghe mà khó chịu, nghe mà đau lòng.
Tôi nói với mẹ rằng mọi người cứ cố ý chọc cho cháu nó khóc tội như vậy không thấy mình rất tàn nhẫn sao?
Mấy hôm trước, cuối cùng thì cả nhà cháu với mấy người họ hàng nữa cũng đến Sài Gòn, người lớn trong nhà vẫn tiếp tục trêu như vậy.
Ngày nào chúng tôi cũng dạo quanh các điểm du lịch, lúc ngồi xe thì đứa trẻ nào chả mệt, chả buồn ngủ.
Cháu gái tôi cũng vậy.
Nhưng cậu mợ tôi lại cứ đùa nó, bảo: "Cháu ngủ đi, đến lúc xuống xe mọi người không gọi cháu dậy đâu, cháu tỉnh rồi sẽ thấy trên xe chẳng có ai, còn mỗi cháu thôi..."
Nó bị doạ, không dám ngủ.
Tôi chịu không nổi trò này nữa, thế là ngăn cản lời trêu đùa của họ, chân thành nói với nó rằng: "Không sao đâu, cháu yên tâm mà ngủ đi, lát xuống xe rồi cô gọi cháu dậy."
Nó không có cảm giác an toàn, hỏi: "Thật không ạ? Cô hứa đi."
Tôi nói: "Thật mà, cô hứa, ngoéo tay đảm bảo luôn."
Nó cứ hỏi đi hỏi lại rồi mới dám ngủ.
Thực sự là tôi chẳng thể hiểu nổi tại sao mọi người lại cố tình làm trẻ lo lắng, sợ hãi như vậy?
Tại sao lại muốn đập vỡ sự tin tưởng của trẻ đối với người lớn?
Đối với trẻ, người lớn là cả thế giới của chúng.
Chúng ta lấy ưu thế về tuổi tác cùng kinh nghiệm trải đời để đe doạ trẻ, tổn thương trẻ như thế vui lắm sao?
Chẳng vui chút nào cả.
Tôi nhắc chuyện này trong group chat với mấy người bạn, ai cũng thổn thức.
Gia đình Phương Thảo - Ngọc Lễ 

Một người bạn kể, hồi nhỏ cô ấy sống dưới quê với ông bà nội, ba mẹ thì đi làm xa tận Hà Nội, cô ấy rất nhớ họ.
Hàng xóm thường hay trêu cô ấy rằng: "Nay bác gặp ba mẹ cháu trên đường, họ nói tối nay sẽ về nhà."
Cô ấy nghe thế háo hức vô cùng, ra trước cổng ngồi chờ, chờ ròng rã cả một ngày, bất kỳ một tiếng động nào đều khiến cô ấy hồi hộp cùng mong ngóng. Nhưng, chẳng có ai về cả.
Nếu như không có hi vọng, thì đã không phải thất vọng thế kia. Lần nào cô ấy cũng ôm đầy hi vọng đợi đến tối muộn, rồi lại nếm trải nỗi thất vọng hết lần này đến lần khác.
Giờ đây nghĩ lại, cô ấy chỉ muốn đánh chết những người hàng xóm rỗi hơi kia thôi.
Một người bạn khác lại kể cho tôi nghe một chuyện hết sức đáng sợ.
Lúc cậu ấy còn nhỏ, nhà bên có một cô mang thai bé thứ hai, hàng xóm suốt ngày doạ đứa lớn nhà cô ấy: "Mẹ cháu sinh em rồi thì cho cháu ra rìa đấy."
Thế là em bé vừa ra đời được mấy ngày đã bị đứa lớn bóp chết.
Cả nhà vô cùng hằn học, thống hận đứa con lớn, mà chẳng hay căn nguyên tội ác chính là những người hàng xóm! Chuyện này không phải lỗi của con trẻ!
Tôi từng đọc một bài báo kể mẹ của bé gái kia sinh em, là con trai.
Hàng xóm mới bảo bé gái kia rằng: "Em cháu là con trai đấy, mẹ không cần đứa vịt giời như cháu nữa đâu! Cháu mau lấy kéo cắt chim em cháu đi!"
Bé gái kia làm theo thật.
Loại hàng xóm ác độc như vậy đáng bị xẻo thành trăm mảnh.
Đúng vậy, rất nhiều lúc người lớn sẽ bảo đùa thôi mà, trẻ con thì không được đùa à?
Không được!!!
Tôi có thể đùa mấy người như thế không?
Suốt ngày mấy người nói với trẻ con, ba mẹ cháu không cần cháu nữa đâu.
Vậy tôi có thể suốt ngày nói với mấy người rằng "vợ anh/chồng chị ngoại tình kìa, đi khách sạn với người ta luôn rồi đó" không?
Có thể bạn không ý thức được, một câu đùa nào đó mà bạn
tùy tiện nói ra đều sẽ mang lại những ảnh hưởng trái chiều rất lớn cho trẻ.

Thứ nhất, khiến trẻ không có cảm giác an toàn.
Câu "ba mẹ cháu không cần cháu nữa" thật sự sẽ khiến con trẻ ám ảnh cả đời.
Đối với trẻ con, thứ mà chúng cần nhất, chính là cái cảm giác an toàn cho dù xảy ra bất kỳ chuyện gì, cha mẹ sẽ luôn yêu chúng vô điều kiện, đây là điểm tựa nâng đỡ cả thế giới của chúng.
Khi trẻ còn rất nhỏ, nếu cứ nghe mãi những lời vứt bỏ như thế, biết được ba mẹ không cần chúng nữa rồi, chúng sẽ cảm thấy mình không còn ai để dựa dẫm. Suy nghĩ thiếu cảm giác an toàn này rất đáng sợ, dẫn đến việc trẻ không hiểu yêu và được yêu.
Thứ hai, khiến trẻ không tin tưởng lời nói của người lớn.
Năm tôi 4 tuổi, sang chơi nhà họ hàng, nhà bác ấy có cái bàn ủi, tôi hỏi bác, bàn ủi có làm cháu bị bỏng không ạ?
Bác ấy cười nói, không đâu.
Tôi tin bác ấy, thế là đưa tay sờ, kết quả là bị bỏng, rộp hết cả lên.
Bác ấy thấy trò đùa của mình thành công, ngoác mồm cười ha hả. Trong khoảnh khắc ấy, tôi cảm thấy người lớn sao mà xấu quá chừng.
Nếu như người lớn chỉ biết vui thú riêng mình mà đi lừa gạt trẻ con, thì trẻ con sẽ cảm thấy chẳng thể tin vào lời nói của người lớn xíu nào cả, dần dà, sẽ không tin tưởng người lớn nữa.
Đồng thời, chúng sẽ học được nói dối.
Thứ ba, trẻ sẽ quen thói lấy lòng người lớn.
Có vài trẻ, không hùa theo trò đùa của người lớn, sẽ bị phê bình rằng: "Không biết đùa gì cả."
Có vài trẻ, học được cách nhìn sắc mặt người lớn, hùa theo mọi kiểu trêu đùa, thế là được khen: "Bé này hiểu chuyện quá."
Thứ tư, nghiêm trọng hơn cả, sẽ hình thành tính cách vặn vẹo nơi trẻ.
Tất cả những trò đùa cợt của người lớn cũng chỉ vì kích thích trẻ nhỏ sinh ra các loại cảm xúc khác nhau, chẳng hạn như: đau lòng, lo lắng, sợ hãi, tức giận, v.v... Đùa kiểu này nhiều sẽ khiến trẻ hình thành tâm lý phản kháng, chống đối kịch liệt, sẽ khiến trẻ bài xích việc giao lưu giữa người với người.
Nói thật thì ở nước ta, rất nhiều người lớn mới là kẻ không biết chừng mực, còn không hiểu chuyện bằng trẻ con.


Dưới đây là những cách trêu trẻ con sai lầm.

1. Không nên hỏi trẻ, thích ba hơn hay thích mẹ hơn.
Bạn là người lớn, bạn cũng không thích trả lời câu "Nếu mẹ với vợ cùng rơi xuống nước thì sẽ cứu ai?" đấy thôi. Trẻ con cũng vậy.
Vả lại, cho dù chúng trả lời thế nào đi nữa thì đều sai cả.
Nói thích mẹ, ba sẽ thất vọng. Nói thích ba, mẹ sẽ cảm thấy đứa trẻ này chẳng có lương tâm gì hết. Nói thích cả hai, sẽ bị đánh giá rằng khôn ranh, giả dối...
Cũng đừng hỏi trẻ mấy câu như, thích bà nội hay bà ngoại hơn, thích cô hay thích dì hơn. Mấy người rỗi hơi thế cơ à?

2. Đừng lấy bao lì xì để đùa trẻ.
Phát bao lì xì cho chúng còn bắt này bắt nọ: hát một bài rồi cô cho cháu, gọi bác là ba đi rồi bác cho,...
Tại sao phải làm vậy?
Con người ta không phải hát rong, cũng chẳng có thói nhận bố hờ.

3. Đừng dọa trẻ rằng sẽ bị chú công an bắt.
Người lớn vì tránh rách việc, lúc nào cũng dùng lời đe doạ để thay cho giáo dục, mấy câu kiểu như chú ông an bắt con đi bây giờ...
Khiến trẻ vô cùng sợ hãi công an.
Trên thực tế, nên nói với trẻ rằng, gặp việc gì thì phải tìm chú công an, chú công an là người bảo vệ chúng ta...

4. Đừng nói dối để qua loa lấy lệ trẻ.
Vụ này rất phổ biến.
Cháu gái tôi không nỡ rời khỏi thủ đô, mọi người trong nhà mới dỗ nó rằng để mấy ngày nữa lại đến thủ đô chơi.
Vì khiến trẻ yên lòng, họ thuận miệng hứa hẹn những chuyện không bao giờ xảy ra.
"Đừng khóc nữa, ngày mai mẹ dắt con đi khu vui chơi." "Giờ con đi ngủ đi rồi mai bà mua đồ chơi cho."
Chẳng có câu nói nào được thực hiện cả. À không, mấy người căn bản là chưa từng muốn thực hiện nó mới đúng. Nếu con trẻ nói dối thì mấy người lại tức giận, có tư cách để tức giận sao? Mấy người mới là những kẻ luôn miệng nói dối.

5. Không nên cho trẻ ăn một cách tuỳ tiện.
Lừa trẻ rằng rượu ngọt lắm, uống đi. Lừa trẻ rằng ớt ngon lắm, ăn đi. Rồi nhìn trẻ sặc sụa, cay chảy nước mắt thì cực kỳ vui vẻ, loại người lớn như vậy thực sự là có bệnh về thần kinh. Dạo trước có vị người lớn nọ cho trẻ uống rượu đế, khiến trẻ đột tử, chẳng lẽ những tin tức như vậy chưa đủ để ta sợ hãi sao? Bạn tôi còn kể, lúc Tết ăn cơm Tất niên với cả họ, mấy người họ hàng cứ cầm đồ ăn để trêu con của cô ấy, bé nó vươn tay lấy thì họ lại giật lại không cho, cười tít lên khi thấy bé thèm... Phóng đại mà nói, thì việc trêu trẻ kiểu Trung Quốc này chính là một loại văn hoá ỷ mạnh hiếp yếu.
Rất nhiều người Việt Nam  lúc nào cũng sùng bái quyền quý, kẻ mạnh, bắt nạt người nhỏ, người yếu hơn mình. Có giỏi thì bắt nạt sếp của bạn, ông chủ của bạn đi. Có gan thì lúc nộp báo cáo nói với sếp của bạn rằng, hát một bài đi rồi cho ông báo cáo, gọi tôi là bố đi rồi tôi cho. Bạn không nói thế với sếp, bạn chỉ nói thế với trẻ con thôi, ừ thì cũng bởi: Có ai nhỏ yếu, dễ bắt nạt hơn trẻ con đâu?
Bao giờ chúng ta học được đối xử công bằng với trẻ, tôn trọng suy nghĩ của trẻ, thì chúng ta mới thật sự văn minh, tiến bộ.
Cuối cùng, tôi muốn nói với tất cả các bậc làm cha, làm mẹ rằng: Nếu như có kẻ trêu đùa con bạn như thế, xin bạn hãy đứng về phía con trẻ, hãy tỏ thái độ với mấy kẻ kia ngay lập tức. Chẳng có ai quan trọng hơn con của bạn cả.

Sưu tầm


Thứ Bảy, 29 tháng 2, 2020

Đánh vợ là biểu hiện yếu kém bất lực

Khi nói đến bạo lực gia đình là nói đến sự thể hiện sức mạnh một chiềuKẻ mạnh ăn hiếp kẻ yếu, thường là chồng ăn hiếp vợ. Nguyên nhân sâu xa là do chúng ta chịu ảnh hưởng của triết lý Nho giáo, lấy việc học làm đầu và lấy sĩ phu hay người đàn ông làm trọng: “Nhất nam viết hữu – thập nữ viết vô”. Người xưa quan niệm chỉ có con trai mới có thể nối dõi tông đường, làm rạng danh dòng họ. Quan niệm xa xưa đó đã trao cho người đàn ông quyền làm chủ gia đình, là gia trưởng.



Điều này đã được lập trình từ khi đứa trẻ còn nhỏ. Ngay từ bé, đứa trẻ trai đã có nhiều đặc quyền, đặc lợi hơn trẻ gái và chính môi trường xã hội chung quanh cũng công nhận điều đó. Tuy nhiên, không phải ai cũng thích thể hiện nắm đấm với người “bạn cùng giường” của mình bởi qua nhiều thế hệ, họ đã chắt lọc được cách sống tự tin, biết tôn trọng bản thân và người khác.
Phụ nữ hãy kiên quyết, đừng cam chịu
Khi người đàn ông đưa ra nắm đấm chính là lúc họ bộc lộ một tâm thế bất an, thiếu tự tin vào bản thân. Họ chỉ dám ra nắm đấm với những kẻ yếu hơn mình.
Trong bất cứ cuộc tranh cãi nào thì mâu thuẫn luôn đến từ hai phía. Mâu thuẫn vợ chồng có một phần nguyên nhân từ phía người vợ tạo ra những cơ hội cho ông chồng bạo lực của mình thể hiện. Nói vậy không phải là khuyên người phụ nữ một điều nhịn, chín điều lành mà là phải có cách ứng xử phù hợp. Sức mạnh của người đàn ông sẽ bị vô hiệu hóa bởi sự dịu dàng của người phụ nữ nhưng đó phải là một sự dịu dàng kiên quyết, chứ không phải là một sự dịu dàng nhu nhược hay cam chịu.
Điều này không dễ thực hiện với số đông phụ nữ. Nếu ngay từ nhỏ, bé gái không được giáo dục khả năng tự chủ thì khi lớn lên, việc lệ thuộc người chồng là điều khó tránh khỏi. Chính vì thế, vai trò của cha mẹ trong việc giáo dục con cái là vô cùng quan trọng. Cha mẹ cần truyền trao cho con trai mình sự coi trọng phái nữ, cho con gái sự tự tin vào năng lực bản thân.
Chúng ta không nên tập cho con tinh thần phụ thuộc vào cha mẹ bằng sự chiều chuộng và áp đặt. Bởi điều đó không những tốt cho con ở hiện tại mà còn giúp con không rơi vào tình trạng gia trưởng hay nhu nhược trong cuộc sống gia đình sau này.
Chính sự lắng nghe và biết tôn trọng giá trị, tính cách của từng thành viên trong gia đình là yếu tố tốt nhất để tránh khỏi tình trạng bạo hành. Đồng thời, cũng chính sự quan tâm nhưng kiên quyết trong cách ứng xử có khả năng dập tắt mọi ý định bạo hành ngay từ lúc manh nha của đối tác.
Nạn nhân của chính mình
Một người phải sống trong bầu không khí bạo lực thì chắc chắn sẽ xuất hiện một thái độ tự bảo vệ mình bằng sự ích kỷ và vô tâm. Đứa trẻ phải chứng kiến những hành động bạo lực từ cha mẹ thường dần dần trở nên vô cảm trước nỗi đau của người khác, chỉ biết sống cho quyền lợi của bản thân. Chúng cũng sẽ trở nên những con người hoặc nhu nhược hoặc thích thú với việc sử dụng bạo lực để giải quyết các vấn đề sau này khi lớn lên.
Vì thế, những bậc cha mẹ sử dụng bạo lực với nhau và với con cái rất có khả năng khi về già sẽ lại trở thành nạn nhân của sự bạo lực ngay trong gia đình mình. Người gây ra bạo lực chính là những đứa con mà mình đã “tập huấn” cho chúng khi còn bé đã biết thế nào là sức mạnh của nắm đấm.
Để tránh điều này, các bậc cha mẹ phải biết tự giáo dục bản thân và giáo dục con cái trong một bầu không khí gia đình đích thực mà ở đó con cái và cha mẹ tin nhau với lòng tôn trọng.
Bạo lực gia đình cũng phản ánh một phần hiện thực xã hội. Nếu mỗi người trong chúng ta quá chú tâm vào các hoạt động kiếm tiền, kiếm danh cũng như tìm mọi cách hủy diệt những người có thể ảnh hưởng đến mục tiêu của mình thì bạo lực sẽ là điều không bao giờ chấm dứt. Bạo lực ở đây không chỉ là nắm đấm mà còn là sự phỉ báng, hãm hại lẫn nhau trong sự vô tâm, dửng dưng trước nỗi đau của kẻ khác.
Đó còn là sự hủy hoại xã hội lớn hơn cả những nỗi đau do bạo lực nắm đấm đem lại đối với mỗi người.
Cách thoát khỏi vòng tròn bạo lực
Thống kê của Vụ Gia đình (Bộ VH-TT&DL) cho thấy trong năm năm trở lại đây, số vụ bạo lực gia đình được ghi nhận khoảng 20.000 vụ/năm.
Một khi đứa trẻ đã phải sinh ra và lớn lên trong bạo lực thì chúng dễ hình thành trong vô thức thái độ coi thường giá trị bản thân, sẵn sàng sống chung với bạo lực.
Giải pháp quan trọng cho những người này là xây dựng cho mình một năng lực về bất cứ lĩnh vực nào mà mình có hứng thú, từ việc học thêm một ngoại ngữ, học thêm một vài môn nghệ thuật (vẽ, nhạc, múa…) hay các bộ môn khéo tay (cắm hoa, làm bếp…), tham gia một vài hoạt động xã hội từ thiện…
Tất cả điều đó không chỉ đem lại cho chúng ta lòng tự tin mà còn gia tăng được sức mạnh nội tâm và củng cố một giá trị lớn nhất: Trở nên hữu ích cho chính mình và cho người khác.
Chính điều đó sẽ giúp chúng ta thoát khỏi sự ám ảnh của bạo lực để có thể trở thành thủ phạm hoặc nạn nhân.
Lê Khanh

Thứ Bảy, 22 tháng 2, 2020

VÌ SAO 5+5+5 KHÁC 5x3 ???


Hồi nhỏ, ba tôi quan niệm không bao giờ cho đi học thêm. Cho nên, lúc vào lớp 6, khi tôi vào học ở một lớp chọn, mọi thứ đều rất khó khăn với tôi, nhất là môn toán. Trong khi các bạn trên lớp đều học thêm rất nhiều, giải toán nhanh như chớp, có những con tính tôi không hiểu sao họ có thể gộp đầu, gộp đuôi lại để tính nhanh hơn. Còn tôi, mọi thứ đều phải tự bơi lội, tự mua sách về đọc thêm, tự mò làm thêm. Điểm số của tôi khá bình thường so với những bạn cùng tuổi thời đó. Khi tôi hỏi sao không cho tôi đi học thêm để điểm cao, ba tôi bảo đó là cách nhanh nhất để tước đi trí sáng tạo của trẻ con và nó làm hại tôi hơn là cái lợi trước mắt.

Lần lượt sau nhiều năm khi tôi học lên Master và PhD, lúc này tôi mới hiểu vì sao ba tôi không nên cho tôi đi học thêm. Những bài thi của cuộc đời tôi sau này khó hơn gấp nhiều lần mà không thể có trong những lần đi học thêm, đồng nghĩa với tôi chẳng thể có sự chuẩn bị nào khác ngoài việc mang những gì đã học để "brainstorm". Khi chúng ta đã cố gắng hết sức, chúng ta ít nhất sẽ không hối tiếc dù kết quả kém hay tốt.
Một lần trong buổi tán gẫu với một giáo sư, chúng tôi trò chuyện về thầy cô giáo ngày xưa. Ông bảo có một cô giáo dạy lớp 3 của ông mà ông nhớ mãi đến tận giờ khi gần 60, bởi cô ấy là cô giáo tồi nhất của ông. Trong một lần gặp một bài toán hay và ông rất hứng khởi làm cả tối để sáng hôm sau mang đến hỏi cô giáo mình làm thế này đúng hay sai. Nhưng cô giáo của ông chỉ bảo, hãy đợi đến khi cô ấy dạy tới phần này. Ông rất thất vọng với cách giải quyết vấn đề của cô. Điều quan trọng với một học sinh, theo ông, đó là cách chúng tư duy khi gặp một vấn đề, chứ không nằm ở việc chúng được dạy những công cụ mạnh để mang ra giải quyết. Con người khác với robot ở chỗ đó. Mọi robot đều được lập trình sẵn mọi khả năng, để khi gặp vấn đề, chúng mang ra đối phó. Nhưng nếu vấn đề không nằm trong những likelihoods đã lập trình sẵn, robot sẽ ngưng làm việc ngay lập tức.
Về sau, ông giáo sư có làm 1 bài trắc nghiệm về tính diện tích của một hình không gian rất phức tạp, nhưng ông chia chúng thành những hình tam giác, hình thang, hình bình hành khác nhau và đều cho biết diện tích của những hình đó. Ông đưa bài toán cho 2 học sinh, lớp 1 và lớp 10. Kết quả rất bất ngờ, học sinh lớp 1 lại tính được, còn học sinh lớp 10 thì vứt bài ở đấy. Khi ông hỏi từng người, ở cô bé lớp 1, mặc dù kết quả bị sai nhưng cách làm của cô bé là cộng dần dần từng hình một vào nhau để ra kết quả hình không gian cuối cùng. Còn ở cậu bé lớp 10, cậu trả lời là không biết có công thức nào để tính cho tổng diện tích đó không, và ngồi 15 phút chỉ để lục lại trong trí nhớ về sự tồn tại của công thức đó.
Phép nhân sẽ không tồn tại khi chưa có phép cộng. Bạn có thể dùng phép cộng thay cho phép nhân nếu như bạn quên mất cái bảng cửu chương. Giống như tích phân, bạn không cần học thuộc công thức của chúng nếu bạn hiểu tích phân chỉ đơn giản là tổng diện tích của các hình thang nhỏ mà thôi. Điều quan trọng nhất, bạn có thực sự hiểu kiến thức cơ bản.
Tôi sợ những ba mẹ luôn ép con phải làm những thứ mà bản thân họ không làm được.
Tôi sợ những ba mẹ luôn mong con thực hiện ước mơ mà họ không thể làm được trước đây.
Tôi sợ những ba mẹ luôn thích nghĩ hộ, làm hộ cho con cái.
Con người sinh ra, hạnh phúc nhất là được làm điều mình muốn. Vậy, khi bắt con làm theo ý mình, ba mẹ có phải là người luôn mong con được hạnh phúc nhất?
Gần đây ngẫu nhiên tôi gặp trên mạng rất nhiều bài tập về ...giai thừa cho các em học sinh lớp 3, lớp 4 ở VN làm tôi giật mình. Tôi biết chắc chắn các em sẽ làm được, bởi việc ép buộc ngồi học từ sáng tới tối mịt đã giúp rất nhiều học sinh VN vào được các trường chuyên, lớp chọn nhờ việc tối ngày làm đi làm lại các bài toán khó. Điều này đúng với cả người Trung Quốc. Nhưng, dù người TQ có điểm cao GRE và TOEFL nhất trong các dân tộc sang Mỹ học Graduate, thì khi qua giai đoạn học courses - nơi điểm số 100% luôn thuộc về người TQ, bước tới giai đoạn làm research thì chỉ sinh viên Mỹ mới là những người nghĩ ra nhiều thứ mới. Tiêu chuẩn một PhD nằm ở những publications. Sự sáng tạo không thể phát triển ở những con người luôn chỉ bó hẹp trong những không gian kiến thức mà họ suốt ngày ngồi học thuộc và làm đi làm lại cho bộ não khỏi quên. Điều này cũng lý giải vì sao mà nước Mỹ luôn có những Facebook, Google, Apple ... từ những người chưa cần học hết đại học hoặc bỏ ngang PhD giữa chừng.
Sức sáng tạo luôn tồn tại trong con người từ khi sinh ra. Nó tồn tại hay mất dần do những người xung quanh ảnh hưởng. Khi một em bé mới nhận thức cuộc sống, bé đặt ra nhiều câu hỏi và cũng trả lời nhiều câu đôi khi làm người lớn giật mình.
Tôi thích cách các cô giáo dạy trẻ con mẫu giáo ở Mỹ hay làm mỗi khi các em bé chỉ vào một thứ và hỏi đó là cái gì, câu đầu tiên họ hay nói là "Vậy bé nghĩ nó giống cái gì bé từng gặp hay từng nằm mơ?" Câu hỏi rất đơn giản nhưng chúng giúp trẻ em tư duy rất tốt.
Có lần tôi chứng kiến, một em bé chỉ vào một cái vòng và cô giáo của em đã không nói nó là hình tròn, mà hỏi bé lại bé nghĩ nó là cái gì. Em bé rất hào hứng trả lời lại "Nó giống cái hồ trước nhà của bé, giống mặt trăng trên trời, giống biển Stop trên đường" và điều bất ngờ, em bé lấy một cái dây và quấn 2 đầu lại với nhau, lấy các ngón tay bé xíu dang sợi dây dần dần thành hình tròn. Một em bé hơn 4 tuổi làm được nhiều điều hơn là chỉ nhập tâm vào đầu một cái định nghĩa khô cứng về hình tròn mà em chưa thể hiểu ở tuổi đó.
Cuộc sống không chỉ gói trong các trang giấy, cũng như cuộc đời bạn chẳng thể chỉ loanh quanh trong lớp học. Tốt nghiệp đại học hay PhD chỉ là sự khởi đầu của một chặng đường khác, mà trong đó bạn phải chuẩn bị đương đầu với nhiều khó khăn bỗng dưng xuất hiện giống như những viên mưa đá đột ngột rơi xuống đường vào những ngày giông bão. Bạn cần sự sáng tạo không chỉ trong học tập, mà sự sáng tạo giúp bạn đối đầu với mọi khó khăn.
Sức sáng tạo luôn giúp bạn chịu tự mở ra một quyển sách để đọc, tự bước chân đi tìm người khác để học hỏi, và tự tin vào những điều mình đang lựa chọn. Để những lúc bạn ra trường thất nghiệp với ngành bạn học, những lúc bạn đi làm mà không thấy lối thoát, những lúc bạn đang chán chường với xã hội xung quanh, bạn sẽ không phải ngồi than vãn mà luôn biết mình phải làm gì để bản thân thoát ra được vũng lầy mình đang đứng.
Đặt câu hỏi cho chính mình là sự khởi đầu cho việc đi tìm câu trả lời. Nơi nào có câu hỏi, nơi đó câu trả lời đang ở rất gần bạn.
Sưu tầm .

Mời bạn xem video nói về 8 loại trí thông minh của trẻ nhé ! 


Thứ Sáu, 14 tháng 2, 2020

10 hiệu ứng tâm lý mua sắm ...

10 hiệu ứng tâm lý mua sắm chắc chắn bạn đã từng mắc phải nhưng thường lờ đi và vẫn đốt tiền vào những thứ không cần thiết.

Hiệu ứng Diderot

 Sở dĩ có tên gọi này là đến từ Diderot, một nhà triết học người Pháp. Khi Diderot nhận được một món quà là chiếc áo choàng đỏ sang trọng và một khoản tiền thưởng từ Catherine Đại Đế.

 

Subscribe to our Newsletter

'#'