Powered By Blogger

Thứ Bảy, 30 tháng 1, 2021

Phạm Đình Chương và “Ly rượu mừng” (1955)

Phạm Đình Chương sinh ngày 14 tháng 11 năm 1929 tại Bạch Mai, Hà Nội. Quê nội ông ở Hà Nội và quê ngoại ở Sơn Tây. Thân phụ của nhạc sĩ Phạm Đình Chương là ông Phạm Đình Phụng. Người vợ đầu của ông Phụng sinh được 2 người con trai: Phạm Đình Sỹ và Phạm Đình Viêm. Phạm Đình Sỹ lập gia đình với nữ kịch sĩ Kiều Hạnh và có con gái là ca sĩ Mai Hương. Còn Phạm Đình Viêm là ca sĩ Hoài Trung của ban hợp ca Thăng Long. Người vợ sau của ông Phạm Đình Phụng có 3 người con: trưởng nữ là Phạm Thị Quang Thái, tức ca sĩ Thái Hằng, vợ nhạc sĩ Phạm Duy. Con trai thứ là nhạc sĩ Phạm Đình Chương và cô con gái út Phạm Thị Băng Thanh, tức ca sĩ Thái Thanh. Ông được nhiều người chỉ dẫn nhạc lý nhưng phần lớn vẫn là tự học. Trong những năm đầu kháng chiến, Phạm Đình Chương cùng các anh em Phạm Đình Viêm, Phạm Thị Quang Thái và Phạm Thị Băng Thanh gia nhập ban Văn nghệ Quân đội ở Liên Khu IV.
Phạm Đình Chương bắt đầu sáng tác vào năm 1947, khi 18 tuổi, với tác phẩm đầu tay là ca khúc "Ra đi khi trời vừa sáng". Năm 1951, ông và gia đình chuyển vào miền Nam. Với các anh em Hoài Trung, Thái Thanh, Thái Hằng ông thành lập Ban hợp ca Thăng Long danh tiếng. Trong thập niên 1950, ông đã viết những tác phẩm thành công và để đời như "Ly rượu mừng", "Xuân tha hương", "Thủa ban đầu", "Tiếng dân chài" v.v.. Đáng kể nhất là trường ca bất hủ "Hội trùng dương" mà ông viết về đất nước Việt Nam hoa gấm, qua ba bài ca nói về con sông Hồng, sông Hương và sông Cửu Long. Theo như lời ông đã nói với gia đình, trường ca này đã phải tốn mất 4 năm để hoàn tất.
Một sáng tác lãng mạn và để đời thứ hai trong thập niên 1950 đã gắn liền vào tên tuổi Phạm Đình Chương: đó là ca khúc bất hủ phổ thơ Đinh Hùng nhan đề "Mộng dưới hoa". Riêng nói về "Mộng dưới hoa", ca khúc này đã theo năm tháng để trở thành một trong những bài tình ca được ưa chuộng và hát nhiều nhất của nhạc Việt. Trong thập niên 1960, ông đã sáng tác một loạt ca khúc phổ thơ rất thành công và được yêu chuộng như "Nửa hồn thương đau", "Ngợi ca tình yêu" và "Đêm màu hồng" (thơ Thanh Tâm Tuyền), "Khi cuộc tình đã chết" (Du Tử Lê), "Người đi qua đời tôi" (Trần Dạ Từ) và nổi bật nhất là ca khúc "Đôi mắt người Sơn Tây" (Quang Dũng). Từ đó, Phạm Đình Chương thường được cho là một trong những nhạc sĩ phổ thơ hay nhất. Giai đoạn này cũng là lúc ông lập ra phòng trà tên gọi Đêm Màu Hồng và với ban hợp ca Thăng Long, đã biến nơi này thành chỗ hội tụ của các văn nghệ sĩ đương thời.
Sau biến cố năm 1975, Phạm Đình Chương vượt biên sang định cư tại California, Hoa Kỳ vào năm 1979. Ông định cư tại quận Cam cùng gia đình từ đó. Trong khoảng thời gian sống tại Hoa Kỳ, ông đã viết một số ca khúc cuối cùng gồm những tác phẩm phổ thơ như "Đêm nhớ trăng Sài gòn", "Quê hương là người đó", "Khi tôi chết, hãy đem tôi ra biển" (phổ thơ Du Tử Lê), "Hạt bụi nào bay qua" (Thái Tú Hạp) v.v.. Ngoài ra, ông đã hoạt động rất thàng công qua những buổi trình diễn tại các cộng đồng người Việt trên toàn thế giới.
Vào mùa hè năm 1991, ông lâm bệnh và mất đi vào ngày 22 tháng 8 năm 1991 tại quận Cam, California, ở tuổi 62. Theo như gia đình ông kể lại, sau khi người anh của ông là nghệ sĩ lão thành Hoài Trung qua đời 8 năm sau đó, vào năm 1998, vào một buổi sáng nắng ấm tại miền Nam Cali, gia đình ông đã đem tro cốt của hai ông rải ngoài biển như trong một ca khúc ông viết trong thời gian cuối cùng có nhan đề “Khi tôi chết, hãy đem tôi ra biển” phổ từ thơ thi sĩ Du Tử Lê".
Band nhạc Thăng Long 


Nhạc sĩ Cung Tiến có nhận định về nhạc Phạm Đình Chương: “Nếu phải dùng một tính từ duy nhất để xác định đặc điểm của những ca khúc Phạm Đình Chương thì có lẽ tôi sẽ chọn từ ngữ “đằm thắm”. Dường như bất cứ một bài hát nào của anh – từ những khúc mô tả cảm xúc cá nhân (“Xóm đêm”), gợi lại một dĩ vãng (“Mưa Sài gòn mưa Hà Nội”, “Nửa hồn thương đau”), chia sẻ nhịp đập chung của trái tim tập thể (“Ly rượu mừng”, “Đón xuân”) đến những khúc lý tưởng hóa những tình tự dân tộc (“Hội trùng dương”, “Bài ngợi ca tình yêu”) và đặc biệt là những khúc hát làm thăng hoa ái tình (“Mộng dưới hoa”, “Đêm màu hồng”) – ta đều thấy cùng tỏa ngát ra, từ giai điệu hay lời ca, một hương thơm của tình cảm sâu sắc, đậm đà và tha thiết… Giai điệu và hòa âm của anh đã nở rộ thành những đóa hoa thơm, quý và hiếm. Những giai điệu và hợp âm ấy rướn vút lên trong không gian âm nhạc và như cánh chim bay đi sẽ chẳng níu lại được. Ý nhạc sẽ còn phảng phất trong tâm tưởng người nghe như hương lan đêm, sẽ còn chập chờn trong ký ức người hát như cánh bướm mộng…”
Phạm Đình Chương đã viết những ca khúc có "giai điệu và hợp âm vút lên trong không gian âm nhạc”, thể hiện tâm trạng hân hoan của mọi người khi mùa xuân về như “Đón xuân” theo điệu fox vui tươi và “Ly rượu mừng” theo điệu valse.
Từ lâu nay, người ta đã biết nhiều về hoàn cảnh ra đời của ca khúc “Ly rượu mừng”: năm 1955, nhà văn Nguyễn Đức Quỳnh, thư ký tòa soạn tờ báo Đời Mới, đã yêu cầu Phạm Đình Chương sáng tác một bản nhạc xuân thể hiện không khí vui tươi của miền Nam tự do khi ấy và ông đã sáng tác ngay ca khúc "Ly rượu mừng" để đăng vào số Tết. Lời của ca khúc “Ly rượu mừng” là những lời chúc khi mời nhau chén rượu, thể hiện niềm vui của người dân miền Nam sau khi hòa bình vừa được vãn hồi và nền Đệ nhất cộng hòa mới vừa được thành lập (năm 1955).
Chiến tranh đã chấm dứt nên mọi hoạt động kinh tế được phục hồi, “anh nông phu vui lúa thơm hơi”, người thương gia buôn bán có lợi tức và người công nhân thoát khỏi cuộc sống nghèo khó. Ngày xuân tươi mới, mỗi người đều thấy tâm hồn lâng lâng vui sướng và niềm vui ấy như lan tỏa khắp nơi khi mọi người “rót tràn đầy chén quang san”. Lời chúc tốt đẹp nhất được dành cho nhau khi nâng chén rượu: chúc người lính chiến đấu thành công, hát khúc khải hoàn và trở về đoàn tụ với mẹ già; chúc người mẹ già vĩnh viễn dứt bỏ nỗi buồn; chúc những đôi uyên ương xây dựng được tổ ấm trong một thế giới yên lành và chúc những người nghệ sĩ có được những tác phẩm để “tô thêm đời mới”. Nhưng trên tất cả những lời chúc cho mỗi người là lời chúc cho quê hương “máu xương thôi tuôn rơi” và mãi mãi có cuộc sống yên vui trong hòa bình. Cảm xúc dạt dào trong ca khúc này cũng là cảm xúc của những người dân miền Nam bắt đầu dựng xây cuộc sống mới dưới bầu trời tự do và thấy "ước mơ hạnh phúc nơi nơi" đang dần trở thành hiện thực.
LY RƯỢU MỪNG
Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi
Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi
Người thương gia lợi tức
Người công nhân ấm no
Thoát ly đời gian lao nghèo khó
á a a a
Nhấp chén đầy vơi
Chúc người người vui
á a a a
Muôn lòng xao xuyến duyên đời
Rót thêm tràn đầy chén quan san
Chúc người binh sĩ lên đàng
Chiến đấu công thành
Sáng cuộc đời lành
Mừng người vì Nước quên thân mình
Kìa nơi xa xa có bà mẹ già
Từ lâu mong con mắt vương lệ nhòa
Chúc bà một sớm quê hương
Bước con về hòa nỗi yêu thương
á a a a
Hát khúc hoan ca thắm tươi đời lính
á a a a
Chúc mẹ hiền dứt u tình
Rượu hân hoan mừng đôi uyên ương
Xây tổ ấm trên cành yêu đương
Nào cạn ly, mừng người nghệ sĩ
Tiếng thi ca nét chấm phá tô thêm đời mới
Bạn hỡi, vang lên
Lời ước thiêng liêng
Chúc non sông hoà bình, hoà bình
Ngày máu xương thôi tuôn rơi
Ngày ấy quê hương yên vui
đợi anh về trong chén tình đầy vơi
Nhấc cao ly này
Hãy chúc ngày mai sáng trời tự do
Nước non thanh bình
Muôn người hạnh phúc chan hoà
Ước mơ hạnh phúc nơi nơi
Hương thanh bình dâng phơi phới.

Cuối bài, Thanh Nhàn mời bạn nghe bản này qua sự trình bày của band nhạc Thăng Long cùng tiếng pháo nhé !

Thân mến !

Sưu tầm





Thứ Năm, 26 tháng 11, 2020

Đèn ngủ ( có thể dùng xông tinh dầu)

 Bạn ! 

Đèn ngủ đã xuất hiện rất lâu ở Sài Gòn. Vì nó chỉ là đèn ngủ, rẻ tiền nên đèn này được bày bán khá nhiều ở ..vỉa hè. 

Ngoài là đèn ngủ, đèn còn có tác dụng như một đèn xông tinh dầu.

Hình 1 
1/ Đèn ngủ: 
Hình trên là một trong rất nhiều kiểu đèn này. Đèn rất đơn giản, phần vỏ có in hoa làm bằng chất liệu sứ trắng. Trong phần sứ này là một bóng đèn nhỏ ( Hình 2) 
Hình 2
Bạn có thể chọn độ sáng, hay độ nóng vỏ sứ bằng cách chuyển công tắc (hình 1). 
Khi sáng, đèn cho ánh sáng đỏ rất ấm cúng do ánh sáng bóng đèn phát ra qua vỏ sứ có vẽ hình trang trí theo sở thích của bạn nên trông xa rất quyến rũ.

2/ Tác dụng xông tinh dầu: 

Hình 3
Vỏ sứ của đèn kiểu này gần như một hộp kín. Ở phần sứ phía trên của vỏ lõm xuống giống như cái muỗng múc canh (Hình 4)

Hình 4
Khi muốn xông tinh dầu, bạn hãy cắm đèn vào ổ cắm điện, bật đèn và khéo léo nhỏ 5-6 ( hoặc nhiều hơn...) giọt tinh dầu vào phần lõm của chao sứ, khoảng 15- 20 phút sau tinh dầu sẽ bốc hơi, chúng sẽ khuếch tán vào không gian


Với mẫu đèn trong các hình ảnh trên, với phòng kín máy lạnh diện tích sàn 10m2, trần cao 3m, bạn sẽ có hương thơm tinh dầu thoang thoảng gần nguyên đêm với bốn giọt tinh dầu, đèn ở chế độ sáng nhất.

Chúc bạn thành công sau một thời gian thử nghiệm với đèn ngủ tinh dầu.

Mến ! 




Chủ Nhật, 25 tháng 10, 2020

Chuyện ngụ ngôn: Cổng Thiên Đàng

Một người nông dân đang vội vã đi trên đường cùng con ngựa và con chó của mình. Thình lình sét đã đánh chết tất cả họ. Như nhiều linh hồn mới chết khác, họ chẳng biết mình đã chết và cứ tiếp tục đi.

Họ mải miết đi dưới mặt trời thiêu đốt. Họ ướt đẫm mồ hôi và khát không chịu nổi. Sau đó, họ nhìn thấy một cánh cổng đẹp đẽ dẫn đến một quảng trường chiếu sáng rực rỡ, có một dòng suối trong vắt ở giữa quảng trường đó. Người nông dân vội vã chạy đến và chào người giữ cửa: “Xin hỏi, nơi đẹp đẽ này là nơi nào vậy?”

“Thiên đàng”, người gác cổng nói một cách thân thiện.

“Thật là tốt quá. Chúng tôi đều đang rất khát nước. Chúng tôi có thể đi vào trong và uống một chút nước không?”

“Ông có thể vào, nhưng con ngựa và con chó của ông thì không được. Chúng tôi không cho phép động vật vào trong”.

“Ồ, thế thì quên chuyện đó đi vậy”.

Người nông dân không đành bỏ lại con ngựa và con chó. Vì thế họ tiếp tục đi tìm nước uống. Sau khi đi khá lâu, họ tìm thấy một nơi có nguồn nước. Cũng lại có một người đang canh giữ cánh cổng.

“Xin chào, tôi và con ngựa, con chó của tôi có thể uống nước ở đây được không?”

“Cứ tự nhiên”, người gác cổng nói.

Sau khi họ uống thỏa thích, người nông dân nói cảm ơn người gác cổng và hỏi ông ấy: “Nơi này là nơi nào thế ạ?”

“Thiên đàng”.

Người nông dân bối rối: “Lẽ nào lại thế! Chúng tôi vừa đi ngang qua một cánh cổng đẹp đẽ và người gác cổng ở đó bảo rằng nơi ấy là thiên đường mà”.

“Đó là địa ngục”, người gác cổng trả lời.

“Chúa ơi, anh nên ngăn cấm họ làm người khác lầm lẫn như thế. Người ta sẽ bị lừa”.

“Cũng không hẳn”, người gác cổng nói. “Chúng tôi nên cảm ơn sự giúp đỡ của họ, bởi họ sẽ giữ những kẻ bỏ rơi bạn bè ở lại đó”.

Đức Hải (sưu tầm và biên dịch)

Thứ Năm, 27 tháng 8, 2020

Đom đóm, Giao Linh & Nguyễn Văn Đông

Hình như bây giờ ở đồng bằng người ta chẳng còn thấy con đom đóm nữa. 
Hồi bé về quê ngoại ở Quán Gánh, cách trung tâm Hồ Gươm của Hà Nội có mười mấy cây số, tôi thấy đom đóm bay có lúc cả chục con trong vườn nhà bà ngoại.

Tôi thích lắm, tôi nghe chuyện Trạng bắt đom đóm làm đèn học và cứ nhìn thấy đom đóm là tôi liên tưởng đến những nhà bác học thông thái.

Mẹ tôi bán dép rong ven Hồ Gươm, từ đoạn hàng Dầu cho đến đoạn bưu điện Bờ Hồ. Tôi đi đưa cơm cho mẹ, hay chạy sang bên ven hồ chơi. Chỗ có cây chín gốc, mà mãi sau này người ta gọi nó một cái tên quý phái là Lộc Vừng.

Ở cạnh cây chín gốc có một bãi đất phẳng, nhẵn thín. Ở đó có một ông mù ngồi hát xin tiền. Ông đánh đàn ghi ta và hát những bài nhạc vàng. Lạ thật, chẳng biết tầm năm 1981 dòng nhạc ấy có bị cấm hay không. Hoặc người ta kệ ông hát kiếm tiền. Ông mù hàng ngày ngồi đó dạo đàn, khi nào thấy có người thì ông hát.

Ông hát bài Đêm Buồn Tỉnh Lẻ và bài Đom Đóm.
Đó là hai bài tôi nhớ nhất, bài Đêm Buồn Tỉnh Lẻ nhiều nhà có đài Akai vẫn bật, nên tôi nhớ được. Bài Đom Đóm thì nhớ bởi vì những con đom đóm vốn dĩ đã ấn tượng với tôi như kể trên.
Thế rồi chả mấy chốc đến lúc tôi đến tuổi đi lính,  cũng rơi vào một đêm ôm súng canh gác bờ ao. Tức gác cái ao vì sợ bọn trộm cá ở mấy làng ven đó. Ven bờ ao thấp thoáng bóng những đốm sáng lập lờ bay. Thật đúng như lời bài hát.



- Tiền đồn ven biên, anh vừa lên phiên đổi gác. Từng bầy đom đóm, như thắp sáng kỷ niệm hai chúng ta...

Tuy tiền đồn của tôi là ven ao, và bọn địch là những thằng trộm cá, khẩu CKC của tôi không có đạn mà chỉ lưỡi lê và tôi chẳng có kỷ niệm với em gái nào cả. Thế nhưng tôi thả hồn về tuổi thơ ở ngôi nhà tranh của bà ngoại, khiến phiên gác đi qua cũng nhanh.
Năm 2016 tức đã 35 năm kể từ khi đưa cơm cho mẹ, nghe chùa ông mù hát bài Đom Đóm bên Hồ Gươm, ở nước ngoài trong một đêm mưa lâm thâm như đêm nay,  tôi nghe bài Đom Đóm.
Bài hát do ca sĩ Giao Linh thể hiện.
Nhưng đoạn tiền đồn ven biên anh vừa lên phiên đổi gác đã được thay thế bằng'' một chiều tha hương, bên đường cô đơn dừng bước ''.
Nghe thấy hay, hợp với cảnh mình đang tha hương xứ người.  Bây giờ còn có tình xưa mà ngẫm nữa chứ. Hợp quá đi.
Nhưng mà ngẫm một lúc thấy nó gợn cấn thế nào. Hoàn cảnh chinh chiến một người trai phải lao vào trận chiến nó khác với một người tha phương rất nhiều chứ. Tha phương thì có tỉ loại tha phương, ham giàu sang, đi học hỏi kiến thức nghề nghiệp,ham cuộc sống mới mà đi, tóm lại đi để đổi đời mình.  Còn đi chiến trận ý nghĩa khác nhiều, chẳng người chiến sĩ nào hăng hái vác súng đi trận để cuộc đời cá nhân mình thay đổi cả.
Sự thay đổi chỉ một câu khiến bài hát trở thành lạc lõng và tầm thường.
Đi lính trận có tuỳ tiện mà bỏ về cưới người yêu được không? Không thể nào, thế nên đó mới là ước mơ làm lên cái hồn của bài hát.
Ông đi tha phương là đi đâu?   Nói như bây giờ là đi tỉnh xa, hoặc đi tây. Ông có về được không? có gì mà không về được, vài triệu tàu xe nếu ông ở trong nước hoặc dăm trăm, một nghìn usd tiềnvé máy bay nếu ông ở nước ngoài.
Đơn giản có thế. Không về được với người yêu mà phải viết thành bài hát thì nghe nó bi kịch hoá sự việc quá. Còn ông lưu vong tị nạn ư, thế thì ông đã có giấy tờ ngon lành hơn bao người khác, ông chỉ việc mời em người yêu sang chơi và đăng ký kết hôn là xong, đôi lứa bên nhau. Làm gì mà tâm trạng đến mức viết thành một bài hát. Nếu có tâm trạng thì phải là bài '' tôi đã lầm đưa em sang đây hay tôi đã lầm theo anh sang đây ''.
Tác giả bài Đom Đóm là một quân nhân, cố đại tá nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông. Sự thay đổi lời của bài hát khiến cho bài hát mất đi cái ý nghĩa của nội dung bài hát mà tác giả gửi gắm. Khiến người nghe nhầm từ tâm trạng của một người lính thời chiến trở thành tâm trạng của một ông tha phương cầu thực, mộng làm giàu, mộng đổi đời.

Nhiều người nói phải biết ơn ca sĩ , họ phải sửa lời để bài hát còn được sống.

Đây là thời của đủ loại công nghệ tin học, chẳng cần sân khấu thì những bài hát bất hủ vẫn được người ta tìm đến nghe qua đủ phương tiện. Các ca sĩ hát vì sự tồn tại của bản thân mình, chứ chẳng phải vì trân trọng gì tác giả. Nói trắng thế cho nhanh.
Ông hát rong mù, giữa thủ đô Hà Nội những năm đầu thập kỷ 80, sự kiểm duyệt văn hoá còn ghê sợ hơn, nhưng ông vẫn hát nguyên lời.
Các bạn là ca sĩ có danh, đừng vì chút tiền mà biến tấu lời bài hát, làm cho nội dung bài hát,  nỗi niềm của tác giả bị sai lệch đi đến độ tầm thường.
Có bạn thanh minh rằng Giao Linh hát bài đó, lúc đó nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông còn sống, như thế là được sự đồng tình của tác giả. Thế các bạn có nghĩ sau đó ít lâu, cô bé Quỳnh Như 14 tuổi hát trong chương trình Solo cùng Bolero trên đài Truyền Hình Vĩnh Long.

- chiều chiều ven biên, bên đường cô đơn dừng bước..

Cô bé xin phép tác giả khi nào, hay là cô thấy bà Giao Linh trước đó đã sửa được lời, thì cô cũng sửa theo ý mình muốn.
Cứ theo đà này, có ngày sẽ thành

- Họp bàn luận cương, anh thường suy tư, nghiền ngẫm. Nhìn bầy đom đóm, anh bỗng nhớ đến ngày làm đoàn viên.....Ngày xa xưa anh thường nghe đài nói, nếu không vào đoàn thì ơi em ơi vào đâu...


Sưu tầm

Mời bạn vô video dưới để nghe bài hát này nhé ! 
Thân mến ! 

Thứ Ba, 25 tháng 8, 2020

Lửng mật ong

Con này tên là Lửng Mật Ong . Thuộc top bố láo nhất trong thế giới động vật
Nó thuộc họ nhà khá ngáo, lì đòn, mất dây thần kinh sợ hãi.
Nó chuyên ăn nhím và rắn độc, phá tổ ong để lấy mật, bắt trộm báo con, giật đồ ăn của sư tử.
Khả năng kháng độc 100%, nó mà bị rắn độc cắn là cơ chế cơ thể tự động lăn ra ngủ, 1 tí tỉnh dậy là không có gì xảy ra.
Full giáp thịt, nhỏ nhưng khả năng tì đè tốt, loại này rất ngáo và gần như không biết chạy trốn là gì, lao vào giữa đàn sư tử đòi tiền bảo kê là chuyện xảy ra thường xuyên. Nói theo cách dân gian thì là dân liều mạng 😉
Rất nhiều động vật sống theo đàn và sinh hoạt lương thiện như hổ, sư tử, linh cẩu, trâu rừng, bò rừng...đều ngán ngẩm trước con này, không phải vì nó cắn đau, không phải vì nó có độc, mà vì cái sự ngu mà lì của nó 🙂
Màu lông có thể cho thấy cái độ mất dạy của con này. Thường các động vật sẽ có màu lông sáng ở dưới bụng, màu tối bên trên để có thể dễ nguỵ trang, còn con này thì bất cần.

Có coi phim Đến thượng đế cũng phải cười ai còn nhớ con này lúc cắn ông tiến sĩ, cắn không nhả đôi giày ra, ổng phải tháo đôi giày ra để cho nó cắn, đi trên sa mạc nóng quá ổng phải lấy đôi giày lại, vừa đi vừa lê theo con này đủ hiểu nó lì đòn cỡ nào.
____________
Sưu tầm

Thứ Tư, 5 tháng 8, 2020

Con rắn và "cứa...."

Một Câu chuyện nhỏ ý nghĩa lớn Chuyện: “Con rắn và cái cưa!”
Một con rắn bò vào một cửa hàng bán đồ làm mộc và bò đến góc nhà. Khi bò ngang qua 1 cái cưa, nó vô tình bị lưỡi cưa làm bị thương.
Lập tức, nó quay lại và cắn cái cưa. Càng cắn, nó lại càng bị thương ở miệng.
Sau đó, không hiểu chuyện gì đã xảy ra, nghĩ rằng cái cưa đang tấn công mình, nó quyết định quấn lấy cái cưa với ý định làm cho cái cưa ngạt thở với toàn bộ sức mạnh của mình.
Thật không may, con rắn cuối cùng bị chết bởi 1 cái cưa vô tri vô giác. Đôi khi, chúng ta phản ứng với sự giận dữ với ý định sẽ làm tổn thương những người đã đối xử tệ với mình nhưng thực ra chúng ta đã làm tổn thương chính bản thân mình.
***************
Trong cuộc sống, có những lúc tốt hơn là mặc kệ sự việc có tồi tệ ra sao, là con người đừng nghĩ đến thù hận và sự đáp trả. Bởi vì hậu quả khi đã xảy ra là không thể đảo ngược và thảm khốc. Tốt hơn là luôn ứng xử với họ bằng thái độ ôn hoà , và tình yêu thương nhân hậu mặc dù phải nỗ lực rất nhiều .....! Hãy làm chủ cảm xúc của mình, đừng để bản thân chỉ vì một tình huống, chỉ một câu nói của người khác mà làm hỏng tâm tình, hỏng việc của mình. Một phút nóng giận, ân hận cả đời.
Sưu tầm
*******************


Thứ Hai, 27 tháng 7, 2020

THA THỨ ? TẠI SAO BẠN KHỔ?

Vì thiếu yêu thương và thứ tha.
Cuộc sống, ắt sẽ có những chuyện không như ý, sẽ phải gặp những kẻ không thuận lòng, nếu không thể xem nhẹ và bỏ qua, bạn sẽ sống trong phiền phức và mỏi mệt.
Giữa người với người do kiến thức khác nhau, quan niệm khác nhau, sự tu dưỡng khác nhau nên cách nhìn nhận và xử lý vấn đề không giống nhau.
Giữa con người với con người đôi khi có sự đụng chạm, xung đột hay mâu thuẩn cũng là chuyện bình thường.
Những lúc như thế tha thứ là một dạng phong độ, một cách tu dưỡng, là một cây dù có thể bảo vệ, giúp bạn bước về phía trước trong mưa gió bão bùng.Tha thứ cho người khác đôi khi cần một chút hy sinh, một tấm lòng rộng lượng, hay một chút thiệt thòi, đó hoàn toàn không phải nhu nhược hay yếu đuối, mà để con đường bạn đi rộng rãi và thoáng đãng hơn.
Cuộc sống cũng giống như bầu trời, không thể lúc nào cũng trong lành khiến bạn vui thích, mà đôi khi sẽ u ám khiến bạn phiền muộn.
Cuộc sống không thể tặng mãi cho bạn những điều may mắn và hạnh phúc, có lúc nó sẽ bắt bạn nếm đủ những cay đắng ngọt bùi...
Vì thế hãy mở lòng mình ra, tập sống thứ tha, bước qua những người và việc khiến bản thân phiền muộn, bạn sẽ thấy mình đang đứng ở một vị trí cao và nhìn ra xa tận cuối chân trời.
Sưu tầm

 

Subscribe to our Newsletter

'#'