Powered By Blogger

Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2019

Từ Vũ và bài hát Gái Xuân


Từ Vũ và “Gái xuân”
Từ Vũ tên thật là Trần Đỗ Lộc, sinh năm 1932 tại Thường Tín, Hà Tây, năm 1950 theo gia đình vào Nam sinh sống. Một buổi chiều lang thang trên đường Catinat (đường Tự Do sau này), ông ghé vào một nhà sách gần Passage Eden và tình cờ tìm được cuốn sách dạy nhạc lý "L' art de la compositon musicale" (Nghệ thuật sáng tác âm nhạc). Ông mua ngay, đem về nhà say mê tự học đêm ngày và dần dần nắm vững căn bản sáng tác ca khúc.

Mối tình đầu của ông với một cô gái miền Nam đã tan vỡ vì bị gia đình cô cấm cản. Rồi mối tình thứ hai cũng không thành: người yêu lần này là cô bạn gái cùng lớp, hai người yêu nhau một thời gian, nhưng cuối cùng phải chia tay nhau vì cô ra nước ngoài du học. 
Trong buổi chiều cô quạnh, chàng trai trẻ thương nhớ người yêu, thương nhớ mùa xuân đất Bắc tìm được tập thơ “Mây Tần” của Nguyễn Bính và đọc đến bài thơ “Gái xuân” thì cảm xúc dâng trào. Ông kể: “Tôi không thể nén được cảm xúc khi đọc câu "Gái xuân giũ lụa trên sông Vân". Đích thị đây phải là một cô gái Hà Đông, quê tôi. Bởi lẽ không chỉ lụa Hà Đông đã nổi tiếng từ ngàn xưa trên đất Bắc, mà gái Hà Đông cũng nổi tiếng đẹp đẽ, ngoan hiền, dịu dàng như lụa. Chẳng kém cạnh gì những cô gái quan họ Bắc Ninh. Rồi thì "Đôi tám xuân đi trên mái tóc/ Đêm xuân cô ngủ có buồn không?". Thi sĩ Nguyễn Bính đã diễn tả tâm trạng cô gái quá tài tình. Tôi đọc đi, đọc lại bài thơ dăm ba lần, tự nhiên nỗi nhớ quê hương, nhớ thương người con gái đang ở một phương trời xa ập tới, nghẹn lại, tôi phổ nhạc cho bài thơ chỉ trong một giờ đồng hồ là xong. Viết xong, tức tốc đạp xe đến nhà ca sĩ Linh Sơn nhờ thể hiện để làm món quà tặng người bạn gái du học. Không ngờ ca khúc lại trở nên nổi tiếng”.
Nhạc Sỹ Từ Vũ

Một hôm, ông tình cờ gặp nữ ca sĩ Tâm Vấn tại Đài Phát thanh Saigon, cô trách ông sao không tặng cô bài "Gái xuân". Ông đã viết ngay ca khúc này lên một mảnh giấy rồi trao cho Tâm Vấn. Sau đó, Từ Vũ theo gia đình ra Phan Thiết và chưa được nghe Tâm Vấn hát một lần nào, nhưng theo lời bạn bè viết trong những lá thư gởi cho ông thì Đài Phát thanh Saigon đã thường xuyên phát đi, phát lại ca khúc "Gái xuân" với tiếng hát Tâm Vấn rất được công chúng ưa thích.
Một buổi tối cuối năm 1953, Từ Vũ rảo bước lang thang trên dường phố Phan Thiết trong không khí se lạnh của buổi tàn đông, bỗng dưng từ loa phóng thanh công cộng của Ty Thông tin Phan Thiết tiếp sóng Đài Phát thanh Huế vang lên điệu tango của bài "Gái xuân" qua tiếng hát của nữ ca sĩ Diệu Hương. Từ Vũ đã xúc động đến trào nước mắt. Ông đứng dựa vào cột đèn, lắng nghe từng câu hát. Tối hôm ấy, Từ Vũ không chợp mắt được, nằm thương nhớ "Gái xuân" vang vọng mãi trong hồn qua giọng hát từ xứ Huế xa xôi.
Bài thơ GÁI XUÂN của Nguyễn Bính
Em như cô gái hãy còn xuân,
Trong trắng thân chưa lấm bụi trần,
Xuân đến, hoa mơ, hoa mận nở.
Gái xuân giũ lụa trên sông Vân.
Lòng xuân lơ đãng, má xuân hồng.
Cô gái xuân mơ chuyện vợ chồng,
Đôi tám xuân đi trên mái tóc.
Đêm xuân cô ngủ có buồn không?
Nhạc phẩm GÁI XUÂN của Từ Vũ
Em như cô gái hãy còn xuân
Trong trắng thân chưa lấm bụi trần
Xuân đến hoa mơ, hoa mận nở
Gái Xuân giũ lụa trên sông Vân
Xuân đi, xuân đến, hãy còn xuân
Cô gái trông xuân đến bao lần
Xuân đến hoa mơ, hoa mận nở
Gái xuân giũ lụa trên sông Vân
Lòng xuân lơ đãng, má xuân hồng
Cô gái xuân mơ chuyện vợ chồng
Đôi tám xuân đi trên mái tóc
Đêm xuân cô ngủ có buồn không?
Em như cô gái hãy còn xuân
Trong trắng thân chưa lấm bụi trần
Xuân đến hoa mơ, hoa mận nở
Gái xuân giũ lụa trên sông Vân.

Và dây là 2 video bài gái xuận với hai cái hay khác nhau. Mời bạn nghe nhé ! 
Thân mến ! 



(Sưu Tầm)


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 

Subscribe to our Newsletter

'#'